Những dấu hiệu cần phải thay router
Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy đã đến lúc người dùng cần phải nâng cấp router để tận hưởng kết nối nhanh nhất có thể.
Tốc độ giảm, kết nối thường xuyên bị ngắt
Nếu kết nối tốc độ cao gặp khó khăn khi tải trang web, phát trực tuyến, chơi game hoặc họp trực tuyến bị gián đoạn… thì router cũ có thể là vấn đề, yêu cầu người dùng cần nâng cấp router, đặc biệt nếu các bước khắc phục thông thường không có tác dụng.
Khi thêm nhiều thiết bị hơn vào mạng, router cũ có thể thiếu sức mạnh và bộ nhớ cần thiết để xử lý nhu cầu tăng lên, dẫn đến tốc độ chậm hơn và kết nối thường xuyên bị mất. Điều này đặc biệt đúng nếu router sử dụng phiên bản Wi-Fi cũ. Nâng cấp router có thông số tốt sẽ đảm bảo mạng có thể xử lý tốc độ cao hơn, cung cấp kết nối ổn định và hỗ trợ số lượng thiết bị ngày càng tăng trong nhà.
Phạm vi phủ sóng hạn chế và vùng chết
Phạm vi và cường độ tín hiệu của các router cũ có thể giảm dần theo thời gian, dẫn đến các vùng kết nối yếu hoặc tạo ra vùng chết trong nhà (nơi tín hiệu Wi-Fi yếu hoặc không có), dẫn đến ngắt kết nối thường xuyên và tốc độ chậm hơn.
Nếu nới rộng nhà hoặc chuyển đến một ngôi nhà lớn hơn, router cũ không còn phù hợp. Hãy nâng cấp lên router mới để đáp ứng nhu cầu và phủ sóng nhiều khu vực hơn. Nên chọn router dựa trên kích thước ngôi nhà mới và khu vực muốn phủ sóng, ưu tiên có nhiều ăng-ten để đảm bảo phạm vi phủ sóng rộng, ổn định, mạnh mẽ và hỗ trợ nhiều thiết bị.
Không đáp ứng gói cước đang sử dụng
Các router cũ không hỗ trợ các chuẩn kết nối Wi-Fi mới nhất và thiếu phần cứng cần thiết để đạt tốc độ cao hơn, do đó ngay cả khi người dùng nâng cấp tốc độ gói internet cũng không thể tận hưởng chất lượng. Ví dụ router chỉ hỗ trợ tối đa 100 Mbps nhưng người dùng đăng ký các gói 150 Mbps... thì sẽ không thể khai thác.
Lúc này không còn việc gì khác là nâng cấp router. Hãy chọn router hỗ trợ Wi-Fi 5, 6, 6E hoặc 7 để đảm bảo tận dụng được tốc độ mà người dùng đang trả tiền.
Không còn nhận bản cập nhật firmware
Việc cập nhật router thông qua firmware là điều cần thiết để đảm bảo mạng gia đình an toàn, hiệu quả và đáng tin cậy. Nếu router không còn hỗ trợ hoặc nhận các bản cập nhật firmware từ nhà sản xuất, đó là lý do chính đáng để nâng cấp vì chúng sẽ dễ gặp rủi ro về bảo mật và ảnh hưởng đến quyền riêng tư. Người dùng cũng có thể gặp lỗi và trục trặc ảnh hưởng đến hiệu suất router và không có quyền truy cập vào các tính năng mới.
Quá nóng khi hoạt động
Nếu router quá nóng khi chạm vào, người dùng nên đặt nó ở nơi thông gió, nâng lên khỏi mặt đất và vệ sinh lỗ thông hơi. Nếu không hiệu quả, tình trạng quá nóng có thể chỉ ra một số vấn đề. Quá nhiệt có thể gây ra tình trạng tắt đột ngột, khởi động lại thường xuyên và mất kết nối. Một router quá nhiệt sẽ làm giảm hiệu suất, dẫn đến các sự cố dai dẳng và tốc độ không ổn định. Nâng cấp sẽ giúp đảm bảo quản lý nhiệt tốt hơn, mang lại kết nối ổn định và đáng tin cậy với ít lần khởi động lại.
Thiếu các tính năng nâng cao
Nếu thiếu các tính năng nâng cao, đây là một lý do để cân nhắc nâng cấp. Điều này cho phép router sử dụng các giao thức bảo mật mới như WPA3, MU-MIMO (cho phép nhận nhiều dữ liệu cùng lúc và giảm thời gian chờ hiệu quả), QoS (ưu tiên nhiệm vụ quan trọng như chơi game online)… Tương tự, các giao thức bảo mật tiên tiến cũng cần được sử dụng để chống lại các mối đe dọa, trong khi Mesh giúp mở rộng phạm vi phủ sóng Wi-Fi khắp nhà bằng nhiều điểm nút và loại bỏ vùng chết.
Bên cạnh đó, nếu router đã quá cũ như hoạt động hơn 10 năm tuổi, việc nâng cấp là điều cần thiết ngay cả khi chúng vẫn làm việc bởi các phiên bản mới sẽ tối đa hóa tiềm năng hiệu suất mà nhà cung cấp mang lại.
Leave a Comment