Nhiều người xóa ứng dụng sau khi trải nghiệm mua sắm trên Temu
Temu là ứng dụng mua sắm trực tuyến gửi hàng trực tiếp từ Trung Quốc tới tay người dùng tại Việt Nam đang "làm mưa làm gió" trên mạng xã hội trong nước gần đây. Phần mềm này mới xâm nhập thị trường Việt và đưa ra các chương trình ưu đãi, tiếp thị với giá trị "khủng" nhằm lôi kéo sự quan tâm của người dùng đến với nền tảng. Trên thế giới, Temu cũng đã có mặt tại một số quốc gia và tạo được tiếng vang nhất định.
Giá trên Temu không rẻ, đóng gói kém
Ở Việt Nam, ứng dụng này vẫn còn nhiều điểm yếu nếu so với những nền tảng đang hoạt động như Shopee, Tiktok Shop, Lazada, Tiki, Sendo... Cụ thể, giá các sản phẩm trên Temu đều được "thổi" lên cao trước khi áp các chương trình giảm giá, ưu đãi dành cho người mua. Do vậy, dù tỷ lệ chiết khấu cực kỳ cao, giá mua cuối cùng của sản phẩm trên Temu thực tế lại không hề rẻ hơn.
Anh Cao Hưng (Hà Nội) cho biết khi lên Temu tìm sản phẩm thấy mức ưu đãi giảm từ hơn 10 triệu đồng xuống còn trên 4 triệu đồng quá hấp dẫn nên đã định thanh toán. Nhưng do cẩn thận, người dùng này đã kiểm tra thêm sản phẩm cùng loại ở sàn thương mại điện tử khác đang hoạt động tại Việt Nam thì thấy các cửa hàng đang niêm yết chỉ hơn 2,3 triệu đồng. "Chưa áp dụng mã giảm giá mà đã rẻ hơn Temu gần 50% rồi", anh Hưng nhận xét.
Nhiều người dùng khác cũng đã có những so sánh tương tự ở cùng một sản phẩm trên nhiều sàn thương mại điện tử khác nhau. Ví dụ, một chiếc áo gió thương hiệu Kelme (loại hàng bình dân giá rẻ ở Trung Quốc) khi đặt mua từ sàn Taobao có giá về tay khoảng 700.000 đồng, thì trên sàn Temu, sản phẩm này được chào giá tới 3 triệu đồng và giảm còn khoảng 1,2 triệu đồng sau khi trừ mã giảm giá. Hoặc một mẫu giỏ đựng rác treo cánh tủ bếp trên Temu khoảng 220.000 đồng sau khuyến mại, thì giá bán trên Taobao là 35 tệ (khoảng 125.000 đồng), trong khi Shopee, Lazada bán 120.000 đồng.
Chất lượng sản phẩm ở các gian hàng trên Temu cũng bị đặt nghi vấn, nhưng điều khiến nhiều người dùng đã trải nghiệm phải thất vọng là cách đóng gói sản phẩm gửi tới Việt Nam. Dù là hàng thương mại xuyên biên giới, các gói hàng được đóng rất sơ sài, chủ yếu bọc trong một gói nilon không có vật liệu chống sốc, chống va đập để bảo vệ. Do vậy, hàng tới tay người dùng có rủi ro móp méo vỏ hộp, thậm chí hư gãy, hỏng hóc.
Mua thử cho biết rồi xóa ứng dụng Temu
Theo các chuyên gia cũng như những người am hiểu về các kênh thương mại điện tử, Temu thành công ở những thị trường châu Âu bởi chi phí rẻ so với mặt bằng giá cả chung tại quốc gia đang hoạt động, mặt hàng đa dạng, vận chuyển miễn phí trực tiếp từ nhà máy tại Trung Quốc tới tay người dùng. Đây đều là những yếu tố mới và hấp dẫn tại các quốc gia cách xa Trung Quốc.
Trong khi đó, Việt Nam có đường biên giới giáp ranh và đã có nhiều sàn thương mại điện tử cũng như dịch vụ vận chuyển hàng hóa hai chiều Việt Nam - Trung Quốc nên người dùng không còn xa lạ với các ưu đãi mua sắm trực tuyến xuyên biên giới với giá rẻ. Hiện các sàn như Shopee, Lazada đều có những gian hàng quốc tế từ Trung Quốc giao thẳng đến tay người dùng Việt với phí vận chuyển "0 đồng".
Thực tế này khiến Temu mất đi lợi thế ở Việt Nam so với những sàn thương mại điện tử đang hoạt động nên sau khi trải nghiệm thử với đơn hàng và không như ý muốn, nhiều người đã gỡ bỏ ứng dụng và tiếp tục việc mua sắm trên các sàn hiện tại. Không có được ưu thế về giá, Temu cũng thua thiệt về phương thức thanh toán khi buộc người dùng phải có thẻ tín dụng, trong khi thói quen mua sắm của người dùng Việt chuộng hình thức thanh toán qua ví điện tử hoặc COD (giao hàng trả tiền).
Bên cạnh đó, việc giao hàng, đổi trả của nền tảng này cũng đang bị đánh giá kém. Ngọc Tâm (TP.HCM) cho biết đơn hàng đặt trên Temu của anh không có ai liên hệ giao nhưng tự báo "không thành công" và trả về kho trung chuyển, không thể yêu cầu giao lại.
Theo khảo sát của YouNet Media, chính sách giao hàng, đổi trả của Temu là một trong 5 mối quan tâm hàng đầu của người dùng Việt trong giai đoạn sàn này bắt đầu tiến sang thị trường 100 triệu dân.
Mới đây, Bộ Công thương yêu cầu các cơ quan, đơn vị hướng dẫn người dân tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng thương mại điện tử như Temu khi chưa được cấp phép xác nhận; tăng cường giám sát, phát hiện kho hàng của sàn này tại Việt Nam.
Leave a Comment